Quản lý vốn theo tỷ lệ R:R (Risk : Reward)

Quản lý vốn theo tỷ lệ R:R (Risk : Reward)

Quản lý vốn theo tỷ lệ R:R (Risk : Reward)

 

Thời kỳ đầu khi mới biết về Forex, ngày nào tôi cũng được các trader kinh nghiệm chia sẻ về cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R. Họ nói rằng đây là cách quản lý vốn trong giao dịch hiệu quả nhất. Vậy bạn có biết quản lý vốn theo R là gì không? 1R bằng bao nhiêu là hợp lý? Làm sao để cải thiện tỷ lệ R:R? Hay như tại sao nó lại được thần thánh hóa?

Tại bài viết này, tất tần tật về cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R sẽ được chia sẻ 1 cách chi tiết nhất.

Quản lý vốn theo tỷ lệ R:R là gì?

Tỷ lệ R:R là tên viết tắt của Risk : Reward Ratio (hay còn được gọi là R:R ratio) được hiểu đơn giản là Tỷ lệ rủi ro : lợi nhuận trong 1 giao dịch của bạn.

Ví dụ: Mở 1 giao dịch BUY EUR/USD, Stop loss 40 pip và Take Profit 120 pip. Vậy trong trường hợp này tỷ lệ R:R = 1:3. Hay nói cách khác: Trong giao dịch này, nếu bạn sai, bạn sẽ thua 1R, nhưng nếu bạn đúng bạn sẽ thắng 3R.

Thông thường, để xác định 1R bằng bao nhiêu tiền, người ta sẽ căn cứ vào tổng mức vốn trong tài khoản giao dịch của bạn.

Ví dụ: Vốn trong tài khoản của bạn là 1,000$, và bạn mặc định 1R = 2% vốn. Vậy nếu bạn sai, bạn chỉ mất 1R = 20$, ngược lại, nếu bạn thắng 3R bạn sẽ kiếm được 60$.

Hoặc: Bạn có thế mặc định 1R = 5% vốn, với tỷ lệ R:R = 1:5 cho 1 lệnh giao dịch => Nếu bạn thua, bạn sẽ mất 50$, nhưng nếu thắng, bạn sẽ kiếm được 250$.

Trong thực tế, các trader chuyên nghiệp thường sẽ để 1R = 2% vốn. Thậm chí, các nhà quản lý quỹ thường sẽ giới hạn 1R = 1% tổng số tiền trong quỹ của họ.

Một số cách sử dụng tỷ lệ R:R trong thực tế

Những trader sử dụng cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R mà tôi biết thường sẽ mặc định 1R = 2% tài khoản. Đồng thời, họ đều có 1 bảng tổng kết các giao dịch của họ (nhật ký giao dịch). Nếu 1 lệnh giao dịch thua, họ sẽ ghi nhận là -1R. Ngược lại, nếu 1 lệnh giao dịch thắng, tùy vào số tiền kiếm được, họ sẽ ghi nhận là +2R, +1.5R …..

Và cuối cùng, cái mà tất cả cùng hướng tới chính là: Kiếm được càng nhiều R lợi nhuận càng tốt. Giờ tôi sẽ chia sẻ 1 số cách sử dụng tỷ lệ R:R trong thực tế:

Ưu tiên cho những giao dịch có tỷ lệ R:R cao

Nói 1 cách dễ hiểu là: Những trader chuyên nghiệp sẽ lướt qua 1 số các cặp tiền nhất định, phân tích và dự đoán xu hướng giá của nó. Sau đó, đưa ra điểm vào lệnh, điểm cắt lỗ (Stop loss) và điểm chốt lời (Take Profit). Từ đó, họ sẽ có 1 cái nhìn sơ bộ về tỷ lệ R:R. Những cặp tiền có tỷ lệ R:R thấp sẽ được bỏ qua, những cặp tiền có tỷ lệ R:R cao sẽ được ưu tiên theo dõi và giao dịch.

Ví dụ như trường hợp tấm ảnh trên. Lệnh EURJPY sẽ được ưu tiên giao dịch, vì tỷ lệ R:R = 1:4 (tốt nhất so với những lệnh giao dịch còn lại).

Thường thì những nhà giao dịch dài hạn sẽ thích cách này. Những gì họ cần làm mỗi ngày chỉ đơn giản là: Dành ra 1 ít thời gian, xem tổng thể thị trường của từng cặp tiền tệ, chọn 1 vài cặp có tỷ lệ R:R cao và tập trung theo dõi nó. Đầy đủ các tín hiệu, họ sẽ vào lệnh.

Chỉ giao dịch với 1 tỷ lệ R:R nhất định

Hiểu đơn giản là: Bạn sẽ chọn ra 1 tỷ lệ R:R nhất định như R:R = 1:2 (1 phần lỗ đổi 2 phần lời). Thậm chí có thể là 1:3 , 1:4 hoặc cao hơn nữa.

Tôi ví dụ về 1 trader yêu thích tỷ lệ R:R = 1:2. Nếu mức lợi nhuận dự kiến không đủ 2R, thì anh ta sẽ bỏ qua cơ hội. Ngược lại, bất cứ cặp tiền tệ nào cho cơ hội giao dịch ở mức tỷ lệ R:R = 1:2 hoặc cao hơn, anh ta sẽ mở giao dịch.

Thường thì cách này sẽ hợp với Day Trader, những Trader dành phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm cơ hội giao dịch trên thị trường.

Tỷ lệ R:R bao nhiêu là hợp lý?

Trả lời: Winrate (hay còn được gọi là tỷ lệ chiến thắng) sẽ quyết định tỷ lệ R:R.

Ví dụ: Phương pháp giao dịch Forex của bạn có tỷ lệ winrate = 50% (giao dịch 100 lệnh, 50 thắng – 50 thua). Vậy bạn chỉ cần 1 tỷ lệ R:R = 1:2 bạn cũng kiếm được tiền (50 x 2R – 50 x 1R = 50R).

Ở chiều ngược lại, nếu tỷ lệ winrate chỉ là 30% (giao dịch 100 lệnh, 30 win – 70 lose). Vậy để tài khoản có lợi nhuận, tỷ lệ R:R phải là 1:2,5 trở lên => (30 x 2.5R – 70 x 1R = 5R). 5R cho 100 lệnh giao dịch là quá ít.

Trong thực tế, có nhiều nhà giao dịch chỉ cần tỷ lệ chiến thắng khoản 30%, nhưng mỗi lần thắng là mỗi lần họ kiếm được rất nhiều R lợi nhuận. Chung quy, họ vẫn kiếm được tiền.

Hãy nhớ: Đích đến của chúng ta chính là kiếm được càng nhiều R lợi nhuận càng tốt. Vì thế, hãy tính toán tỷ lệ chiến thắng thật kỹ càng để có thể đưa ra 1 tỷ lệ R:R hợp lý.

Làm thế nào để cải thiện tỷ lệ R:R?

Kiên nhẫn và kiên nhẫn

Tối ưu mức Stop Loss chính là cách tốt nhất để nâng tỷ lệ R:R lên cao. Tôi sẽ cho bạn 1 ví dụ cụ thể:

Trường hợp A: Giá Break Out qua kháng cự và đi lên, nếu bạn vào 1 lệnh BUY luôn lúc này, mức StopLoss của bạn sẽ là 80 pip => Nếu giá tăng 160 pip thì tỷ lệ R:R = 1:2.

Trường hợp B: Bạn kiên nhẫn chờ giá Retest lại vùng kháng cự và vào 1 lệnh BUY. Lúc này, mức SL của bạn chỉ là 60 pip => Nếu giá tăng 160 pip thì tỷ lệ R:R = 1:2,6.

Bạn hiểu ý tôi rồi chứ? Bạn càng kiên nhẫn “trả giá” với thị trường để có 1 vị thế lệnh tốt hơn, thì tỷ lệ R:R cũng sẽ tốt hơn.

Thay đổi góc nhìn dài hạn

Giả sử bạn phân tích thị trường tại 1 khung thời gian nhỏ (15 phut hoặc 1h), bạn sẽ thấy điểm chốt lời ngắn.

Thử thay đổi khung thời gian trên biểu đồ mà bạn phân tích (4h hoặc ngày). Bạn sẽ thấy những con sóng lớn hơn, những chu kỳ Uptrend hoặc Downtrend dài hơn. Từ đó, điểm Take Profit của bạn cũng sẽ dài hơn rất nhiều. Điều này sẽ giúp cải thiện tỷ lệ R:R của bạn.

Đánh giá cách quản lý vốn theo R:R

2 điểm mấu chốt mà các Trader luôn gặp khó khăn khi áp dụng cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R chính là: Tâm lý và kỷ luật. Hãy cùng tôi điểm qua 1 số các ưu nhược điểm của cách quản lý vốn này.

Trạng thái tài khoản

Tôi thường chia trạng thái tài khoản khi giao dịch Forex thành 5 loại:

(i) Thua lỗ lớn (Có thể là cháy tài khoản)

(ii) Thua lỗ nhỏ

(iii) Hòa vốn

(iv) Thắng nhỏ

(v) Thắng lớn

Ưu điểm của cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R chính là: Trạng thái tài khoản của bạn sẽ không bao giờ rơi vào trường hợp thua lỗ lớn. Vốn của bạn sẽ vẫn còn đó, và cơ hội sẽ luôn luôn dành cho những kẻ có tiền.

Trong thị trường này, những gì bạn cần làm là tồn tại và thích nghi. Chỉ cần 1 thời gian đủ dài mà bạn vẫn sống, vẫn không mất hết tiền thì tự nhiên bạn sẽ kiếm được tiền.

Tâm lý đợi Take Profit

Tất cả những gì tôi viết ở trên cơ bản là: Đàm binh trên giấy. Một số trader mà tôi biết trong các ví dụ đều là những người kinh nghiệm và đã trải qua trăm trận chiến lớn nhỏ trên thị trường.

Nhưng nếu là bạn? bạn sẽ làm gì? Mô phỏng y chan cách quản lý vốn đó và mong có kết quả tương tự? Không dễ như vậy đâu. Lý do: Tâm lý mỗi người mỗi khác.

Có thể bạn không biết: Việc giá đi ngược dự đoán và giao dịch dính Stop Loss là điều bình thường. Nhưng ngược lại, giả sử giá đi đúng xu hướng, cái cảm giác đợi TP (Take Profit) thật sự rất kinh khủng. Giống như bạn sợ thị trường sẽ cướp mất miếng ăn của bạn, và lúc này, bạn có thể sẽ đưa ra những quyết định sai.

Ví dụ 1 trường hợp cụ thể: Trên đây là 1 lệnh giao dịch BUY EURUSD khá đẹp với tỷ lệ R:R dự kiến là 1:2. Giá chỉ mới tăng được ½ đoạn đường thì trader bắt đầu yếu tâm lý, đóng lệnh khi giá chưa đạt được mức Take Profit. Từ 1 lệnh giao dịch có tỷ lệ R:R = 1:2 trở thành 1 lệnh giao dịch R:R = 1:0.8

Tâm lý đợi TP chính là 1 trong những rào cản của cách quản lý vốn theo tỷ lệ R:R. Khi bạn sai, bạn mất 1R, nhưng khi bạn đúng, tâm lý lại làm cho bạn kiếm không đủ 1R. Kết quả cuối cùng: Mất tiền.

Kỷ luật, kỷ luật và kỷ luật

Tôi nghe rất nhiều kẻ nói rằng “1R = 2% tài khoản và mỗi lệnh giao dịch không được phép thua quá 1R”. Hoặc như “không giao dịch khi tỷ lệ R:R thấp hơn 1:2”….. Còn rất rất nhiều lời cam kết khác nữa. Nhưng cuối cùng, những kẻ đó đều rời khỏi thị trường với vị thế của 1 kẻ thua cuộc.

Bạn bị cuốn vào thị trường, bạn bỏ quên tất cả những gì bạn đã lên kế hoạch, bạn vứt đi kỷ luật của bản thân. Và cuối cùng, bạn bị thị trường nuốt trọn.

Không phải ai cũng giữ được bản thân khi bước chân vào thị trường. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để thực hiện những kế hoạch về tỷ lệ R:R gì đó. Vì thế, không có kỷ luật thì cũng chả có R:R gì ở đây cả.

Kết luận

Lại thêm 1 cách quản lý vốn hay giúp bạn có thể tồn tại và kiếm được lợi nhuận trên thị trường. Cá nhân tôi cũng chứng kiến rất nhiều các Trader lựa chọn tỷ lệ R:R là kim chỉ nam trong chiến lược quản lý rủi ro của họ.

Còn với bạn? Để làm được những điều trên là cả 1 quá trình. Thứ mà bạn phải đối mặt chính là sự kiên nhẫn và kỷ luật, nó không dễ như cách mà bạn đang đọc bài của tôi.

Vậy thôi, tự bạn hãy trải nghiệm. Những gì cần chia sẻ tôi đã chia sẻ rất chi tiết trong bài viết này rồi.