Lý thuyết Dow là gì? Nền tảng của mọi thị trường (Chap 3 – phải đọc)

Lý thuyết Dow là gì? Nền tảng của mọi thị trường (Chap 3 – phải đọc)

Lý thuyết Dow là gì? Nền tảng của mọi thị trường

Nền tảng của phân tích kỹ thuật, nền tảng của mọi thị trường chính là đây: Lý thuyết Dow. Trước khi bạn bước vào chuỗi seri học và hành Price Action, bạn phải hiểu bản chất thị trường, hiểu cả tâm lý giao dịch…. và vì thế, tôi phải viết về nó.

Lời cam kết: Đây sẽ là 1 bài viết dài, nhưng chắc chắn hay, thời gian bạn bỏ ra cho nó sẽ không hề lãng phí. Tôi sẽ dùng thị trường vàng và Crypto (tiền điện tử) để mô tả về lý thuyết này.

Qua bài viết này, tôi sẽ chứng rằng: Lý thuyết Dow không phải chỉ là lý thuyết, nó tồn tại hàng trăm năm qua và nó đúng cho mọi thị trường.

Lý thuyết Dow là gì? 6 nguyên lý nền tảng

Lý thuyết Dow là 1 chuỗi các lý thuyết thể hiện niềm tin của ông Dow (tên đầy đủ là Charles H.Dow) về cách vận hành của thị trường chứng khoán.

Về sau này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng công nhận lý thuyết này quá chuẩn cho mọi thị trường. Vì thế, họ lấy tên ông để đặt cho chỉ số chứng khoán lớn nhất nước Mỹ – Dow Jones.

Cùng đọc qua 1 lần 6 nguyên lý này, sau đó tôi sẽ đi sâu vào từng nguyên lý để giải thích bạn hiểu tường tận từng vấn đề.

Nguyên lý 1: Giá phản ánh tất cả.

Nguyên lý 2: Xu thế cấp 1 và xu thế cấp 2.

Nguyên lý 3: 2 xu thế 3 giai đoạn của thị trường.

Nguyên lý 4: Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau.

Nguyên lý 5: Giá phải đi kèm khối lượng.

Nguyên lý 6: Xu thế chính được duy trì cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng.

Vì để thuận cho việc đi bài, tôi sẽ trình bày như sau: (1), (3), (2), (4), (5), (6). Như thế bạn sẽ dễ hiểu hơn.

Đồng thời, tôi sẽ lấy ví dụ về thị trường Gold (vàng, XAU/USD) cho những nguyên lý (1), (2) và (3). Nhưng từ nguyên lý (4) và (5), tôi sẽ chuyển sang nói về thị trường Crypto nhiều hơn.

Nguyên lý 1: Giá phản ánh tất cả

Các thông tin mà bạn biết: Tâm lý, dữ liệu về lạm phát, lãi suất… hay thậm chí là chiến tranh, dịch bệnh… Tất cả đều đã được phản ánh vào giá.

Đây là nguyên lý đầu tiên để bạn chấp nhận lý thuyết Dow, và khi đã sử dụng phân tích kỹ thuật, điều duy nhất mà chúng ta sẽ tập trung chính là giá. Thị trường kể câu chuyện của chính nó thông qua giá, những yếu tố đã và đang hoặc thậm chí sẽ xảy ra đều đã ứng vào giá.

Nguyên lý 3: 2 xu thế chính và 3 giai đoạn

Đừng nhầm lẫn thị trường có 3 xu thế: Tăng, giảm và đi ngang. Không phải đâu, theo lý thuyết Dow, thị trường mà chúng ta nhìn thấy chỉ có 2 xu thế chính: Xu thế TĂNG (Uptrend) và Xu thế giảm (Downtrend).

Bạn hãy nhìn vào biểu đồ tháng của Gold và tưởng tượng thế này:

(A) Có 1 thế lực nào đó (tôi sẽ gọi là nhà cái) điều khiển thị trường. Đầu tiên họ đè giá để gom “hàng” với mức giá rẻ. Vì thế, giai đoạn này giá sẽ đi ngang trong 1 khoản thời gian nhất định.

(B) Sau khi gom đủ hàng, nhà cái kéo giá tăng liên tục.

(C) Bắt đầu phân phối cho tất cả các nhà đầu tư (bao gồm cả tôi và bạn) để hiện thực hóa lợi nhuận.

(D) Sau quá trình phân phối, nhà cái “đạp” cho giá giảm xuống. Các tổ chức và cá nhân đều sẽ cắt lỗ, tháo chạy, bán ra hết với cái giá rẻ mạt.

(A) Cuối cùng “nhà cái” lại tiến hành mua gom trở lại và bắt đầu 1 chu kỳ mới. Thế là mọi chuyện quay trở lại như lúc đầu.

Ok! Giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn nhé.

Xu thế TĂNG (Uptrend)

Trong xu thế này, thị trường có 3 giai đoạn chính: Tích Lũy, Bùng Nổ và Quá Độ.

(1) GIAI ĐOẠN TÍCH LŨY

Đây là giai đoạn khởi đầu cho 1 chu kỳ mới của thị trường.

Sau giai đoạn giảm mạnh, mọi tin tức tồi tệ nhất đã ra, ai bán cũng đã bán hết, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy.

Biểu hiện: Giá đi ngang (sideway) trong 1 biên độ nhất định.

Đặc tính: là giai đoạn khó phát hiện nhất. Vì cuối xu hướng giảm của chu kỳ trước, các nhà đầu tư đều cảm giác sợ, e dè và có chút nghi ngờ, nên họ gần như đứng ngoài trong giai đoạn này. Đồng thời, truyền thông, tin tức cũng không mặn mà với thị trường.

(2) GIAI ĐOẠN BÙNG NỔ

Đùng! rất hợp lý, 1 điều gì đó nổ ra (Đương nhiên là nằm trong toan tính của nhà cái).

Biểu hiện: Đồ thị xuất hiện 1 cây nến Break Out, thoát khỏi giai đoạn tích lũy. Giá bắt đầu tăng và liên tục tăng.

Đặc điểm: Đây là giai đoạn kiếm tiền dễ nhất của thị trường. Những gì bạn cần làm: Buy, chia chốt lời, Hold…. Sau đó tìm điểm tiếp tục BUY, chia chốt và Hold… Nếu bạn cố lướt, cố giao dịch thường xuyên, vừa BUY/SELL túi bụi, có thể bạn sẽ vẫn mất tiền như bình thường.

Những tin tốt chẳng hạn như bơm tiền, abc các kiểu… được đưa ra. Mọi con mắt đổ xô về vàng, dòng tiền tìm đến vàng.

(3) GIAI ĐOẠN QUÁ ĐỘ

Tôi thường gọi đây là giai đoạn nước rút. Giá kéo nhanh và mạnh để “về đích” hướng đến 1 mức Target cụ thể trong kịch bản toan tính trước của nhà cái.

Biểu hiện: Giá tăng nhanh và mạnh. Trong giai đoạn 2, giá sẽ tăng theo kiểu mô hình bật thang, vừa tăng vừa nghĩ, lấy đà để tăng tiếp. Còn trong giai đoạn 3 này, giá sẽ tăng thẳng đứng, kích hoạt lòng tham và sự hưng phấn của đám đông.

Đặc điểm: Tâm lý FOMO được đẩy lên cao, các chuyên gia bắt đầu lên tiếng “vàng sẽ tăng về 3000$ – 5000$”. Nhiều thành phần không phải Trader cũng bắt đầu lao vào cuộc chơi. Đại khái, đây là thời điểm “đi đâu bạn cũng nghe về giá vàng”.

Giai đoạn này sướng lắm các bạn, hương phấn cực độ, cứ mua là thắng. Báo chí, truyền thông ngày nào cũng đưa tin tốt về vàng… Và, điều gì đến cũng phải đến.

Xu thế GIẢM (Downtrend)

Xu thế giảm cũng có 3 giai đoạn: Bắt đầu bằng giai đoạn phân phối, tiếp đến là giảm mạnh và sau cùng là giai đoạn tuyệt vọng.

(1) GIAI ĐOẠN PHÂN PHỐI

Lạ thật, tin tốt về vàng ra liên tục, nhưng giá không tăng?

Biểu hiện: Thị trường thường sẽ Sideway.

Đặc điểm: Giá thường biến động mạnh trong giai đoạn này. Các thông tin tích cực được bơm ra nhiều hơn, giao dịch cũng sôi động hơn. Bắt đầu xuất hiện những chuyên gia “hô hào” thị trường sẽ còn tăng nữa, GO TO THE MOON các kiểu…. Nhưng điều quan trọng nhất, thị trường không tăng.

Hãy nhớ: Phân phối là 1 giai đoạn, nó không phải là chuyện của 1 ngày 2 ngày. Nó kéo dài nhiều phiên liên tục và nó đủ tín hiệu để bạn nhận biết điều này.

(2) GIAI ĐOẠN GIẢM MẠNH

Đây chính là cơn bỉ cực của phe MUA. Đùng, giá vàng Break Down khỏi kênh đi ngang của vùng phân phối. Đám đông bắt đầu hoảng loạn.

Biểu hiện: Giá giảm và giảm cực mạnh, phá các mức hỗ trợ trước đó.

Đặc điểm: Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ sẽ nhanh chóng cắt lỗ và rời khỏi thị trường. Còn đối với “gà”? Tụi nó bắt đầu hy vọng, bắt đầu “thắp nhang, khấn” để giá hồi lại về bờ.

Khác với giai đoạn bùng nổ tăng của Uptrend, thị trường đi lên như mô hình bậc thang, tăng rồi giảm nhịp nhàng. Giai đoạn GIẢM MẠNH này thật sự rất thảm khốc, giá giảm như 1 đoàn tàu lao dốc, càng cố chặng đầu, càng “tan sát”. Nếu bạn không thoát hết hàng khi giá Break Down (chính thức bước vào Downtrend) thì lúc này đây, bạn gần như không dám bán.

(3) GIAI ĐOẠN TUYỆT VỌNG

Hahaa, sau cú thảm sát, những ai còn “ôm hàng” sẽ vẫn mong chờ giá sẽ tăng trở lại. Chính vì thế, nhà cái sẽ bắt đầu đưa họ từ hi vọng này đến hi vọng khác, để rồi nhấn chìm tất cả bằng sự tuyệt vọng.

Đặc điểm: Thị trường ngưng giảm mạnh, đã có những nhịp hồi. Đây giống như cú tiếp đất của 1 quả bóng bàn, nảy lên rồi rớt xuống, sau đó lại nẩy lên…

Biểu hiện: Cảm giác cứ hy vọng rồi tuyệt vọng. Chờ giá hồi trở lại để thoát tất cả vị thế BUY, nhưng vừa tăng, giá đã giảm trở lại. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư vào thị trường với tâm lý mua chờ giá cao bán. Giờ lại trở thành các Holder bất đắc dĩ, ôm hàng, cầu nguyện.

Giai đoạn tuyệt vọng là thế, tôi thường hay gọi đây là món “Bò tùng xẻo”. Bạn cứ hình dung như con bò bị xẻo từng miếng thịt, đau đớn và mất máu. Người ta không giết chết con bò, họ cứ xẻo thịt nó, từ từ, từ từ cho đến lúc nó tuyệt vọng, tự lăn ra chết. Vậy đó!

Kết luận

Như vậy, Ngài thị trường đã kết thúc 1 chu kỳ gồm 2 xu thế TĂNG và GIẢM, mỗi xu thế gồm 3 giai đoạn. Đương nhiên, hưởng lợi nhiều nhất vẫn là nhà cái, con mồi ở đây chính là Trader, các quỹ đầu tư… và đặc biết là gà (newbie).

Nguyên lý số 3 là 1 trong những nguyên lý hay nhất của lý thuyết DOW. Nó đút kết tất cả những tinh túy của phân tích kỹ thuật lẫn diễn biến tâm lý thị trường. Giờ thì tôi quay lại nguyên lý 2.

Nguyên lý 2: Xu thế cấp 1 và xu thế cấp 2

Bạn có thể hiểu thế này, thị trường không bay như 1 quả tên lữa, nó diễn biến từ từ và từ từ. Vì thế, trong 1 xu thế chính (cấp 1) luôn tồn tại các xu thế phụ (cấp 2).

Cụ thể: Trong 1 xu thế tăng (uptrend), thì xu thế cấp 1 sẽ là xu thế tăng. Đồng thời, xu thế giảm tạm thời trong uptrend sẽ được gọi là xu thế cấp 2. Xu thế cấp 1 được coi là tiếp diễn khi giá tiếp tục tăng vượt đỉnh cũ, thị trường tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước.

Bạn cứ tưởng tượng như 1 con bò, sau 1 quá trình chạy, nó sẽ tạm dừng nghĩ mệt. Sau đó, lùi lại lấy đà và hút đầu để lao về phía trước.

Kết luận:

Bạn biết ý nghĩa của nguyên lý này là gì không? Để tôi giải thích:

(i) Đây là thuyết sóng trong sóng. Nghĩa là: Trong 1 con sóng tăng lớn, sẽ bao gồm nhiều con sóng tăng và giảm bên trong nó. Và đương nhiên, tất cả các con sóng nhỏ bên trong, đều tôn trọng lý thuyết 2 (có xu thế tăng/giảm, có 3 giai đoạn cho từng xu thế).

(ii) Không nên vội vàng! Nếu bạn đã bỏ lỡ giao dịch khi thị trường Break Out vào Uptrend, hãy chờ xu thế cấp 2. Nghĩa là: Hãy đợi 1 con sóng hồi (giảm trở lại) để bạn mua lên.

Bạn phát hiện điều gì chưa? Thuyết số 2 của DOW chính là nền tảng của các thuyết sóng Elliott, của phương pháp Fibonacci hồi quy…. hay của Price Action. kkkkk! Chưa đâu, mọi thứ lợi hại còn ở phía sau, chịu khó đọc đi, tôi tin tư duy của bạn từ bài viết này sẽ thay đổi.

Nguyên lý 4: Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau

Bạn có thể hiểu thế này: Cổ phiếu tốt chỉ được đặt trong 1 thị trường tốt, nôm na là Nếu Dow Jones tăng thì các cổ phiếu như Walmart, Google, Apple… mới tăng.

Hoặc như: Bitcoin (BTC) tăng thì các Altcoin khác mới có thể hưởng lợi mà tăng theo được. Giờ thì chúng ta sẽ lấy ví dụ về thị trường Crypto.

Khi dòng tiền tràn vào thị trường, nó lan tỏa ra các đồng coin khác. Vì thế, khi BTC tăng, các đồng coin nhỏ khác sẽ tăng theo. Thậm chí, những đồng Coin rác, Shitcoin cũng tăng mạnh. Đây là hiệu ứng lan tỏa của dòng tiền.

Ngược lại cũng thế, khi BTC giảm, dòng tiền rút ra khỏi thị trường, các altcoin khác cũng bị bán tháo. Nó kiểu như hiệu ứng Domino, tâm lý bầy đàn, cùng nhau tháo chạy khỏi thị trường.

Kết luận

Bạn biết nguyên lý này hàm ý gì không? Đó là: Khi bạn quyết định đầu tư vào 1 mã cổ phiếu hoặc 1 đồng Coin nào đó hãy phân tích thị trường chung. Bạn cần phải xem 1 bức tranh tổng thể trước khi xuống tiền.

1 đồng Coin hay 1 mã cổ phiếu chỉ thật sự tốt khi nó được đặt trong 1 thị trường tốt.

Nguyên lý 5: Giá phải đi kèm với khối lượng

À À À!!!! Một trong những nguyên lý cực đỉnh của lý thuyết Dow: Giá và khối lượng. Rất ít trader hiểu và biết điều này, cái họ nhìn vào chỉ là biểu đồ, là chart. Nhưng mọi thứ lại được giải thích bằng: KHỐI LƯỢNG.

Đây chính là nguyên nhân tôi không giải thích bằng giá vàng được, tôi chuyển sang 1 đồng Coin top bất kì để bạn có thể xem khối lượng giao dịch của nó.

Khối lượng giao dịch: Chính là tiền đổ vào thị trường.

Ví dụ: Bitcoin (BTC/USDT sàn Binance). Hãy nhìn thật kỹ vào những điểm Break Out. Bạn thấy gì không? Giá tăng, phải đi kèm với khối lượng tăng. Đây là biểu hiện của dòng tiền đổ vào BTC, phe mua áp đảo phe bán, khối lượng tăng đi kèm giá tăng.

Đừng chỉ mãi nhìn ví dụ, giờ thì hãy bật biểu đồ lên, vào những cổ phiếu tốt hoặc các đồng coin tốt. Mở thêm chỉ báo Khối lượng (Volume) để kiểm chứng ngay những gì các bạn vừa được đọc. Xem thử tôi nói đúng không?

Kết luận

Còn rất nhiều những thứ liên quan đến khối lượng, nó là nền tảng của phương pháp VSA. Nhưng từ từ, bạn cứ nắm nhiêu đây trước đã, tôi sẽ để dành cho các bài viết sau trong Seri này.

Nhớ lấy: 1 cú Break Out chỉ thuyết phục khi có sự gia tăng về dòng tiền (chính là khối lượng).

Lý thuyết 6: Xu thế chính được duy trì cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng

Whao!!! Câu nói kinh điển: “Trade what you see, not what you think”.

Tạm dịch: Hãy giao dich theo những gì bạn thấy, đừng theo những gì bạn nghĩ. Chính là ám chỉ cái thuyết này.

Mọi thứ chỉ được duy trì cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng (tôi sẽ in đậm 2 từ rõ ràng). Không có gì là mập mờ cả, mọi thứ đều rất rõ ràng. Uptrend chỉ kết thúc khi thị trường đã phân phối xong, có dấu hiệu giảm mạnh gãy trend (Break Down). Ngược lại, Downtrend chỉ kết thúc khi thị trường đã tích lũy lại, đảo trend bằng 1 cây nến Break out tiến vào xu thế tăng.

Lý thuyết Dow không khuyến khích bạn mua đáy bán đỉnh. Lý thuyết Dow chỉ khuyến khích bạn giao dịch theo cách an toàn nhất, nghĩa là: MUA khi thị trường đã vào Uptrend, và bán khi thị trường bước vào Downtrend.

Kết luận

Điều này chứng tỏ, ngay cả ông Dow cũng không có tài phép đoán đỉnh đáy của thị trường. Không ai làm được điều này cả, đừng cố mua đáy/bán đỉnh. Những gì bạn cần làm đó là: Mua khi giá bước vào giai đoạn bùng nổ, nắm giữ cho đến giai đoạn phân phối và bán khi có dấu hiệu Uptrend đã kết thúc.

Nhắc lại: 2 xu thế chính và 3 giai đoạn là 1 quá trình, nó không diễn ra trong 1 hoặc 2 ngày. Quá trình này rất rõ ràng và bạn hoàn toàn có thể dùng kiến thức để phân tích và nhận định được.

Tổng kết

Có nhiều ông nói lý thuyết Dow chỉ là lý thuyết, có độ trễ và không thiết thực.

Sai rồi! Lý thuyết Dow là nguồn gốc của mọi phân tích kỹ thuật. Thậm chí nó bao gồm cả diễn biến tâm lý thị trường trong đó nữa. Bạn thử nhìn vào hình bên dưới để xem diễn biến cảm xúc của 1 trader trong giao dịch, bạn xem có giống với lý thuyết Dow không? Tôi sẽ có 1 bài khác để nói về chủ đề này.

Thị trường có lúc này lúc khác, chu kỳ tăng giá/giảm giá có lúc nhanh có lúc chậm. Nhưng, tâm lý của con người hàng trăm năm qua không bao giờ thay đổi. Đây chính là chỗ thâm sâu mà lý thuyết Dow muốn nhắn nhủ.

Kết thúc bài 3 của Seri Price Action chuyên sâu. Những gì nền tảng nhất tôi đã chia sẻ xong. Bài sau, chúng ta sẽ chỉ đi vào học và hành. Từ đây về sau, những gì tôi trích dẫn sẽ nằm chủ yếu trên bài viết này.

Một lần nữa, nếu bạn đã và đang đọc những dòng này, hãy bật Tradingview lên và test. Test lại xem những gì lý thuyết DOW này dạy có chuẩn không? Xem thử thị trường đúng là có 2 xu thế 3 giai đoạn không? Có đúng là những điểm nút Break Out đều có khối lượng lớn không?…. Thử đi, tôi cam đoan bạn học được nhiều hơn nữa.

Thân ái!!!!!